Thursday, April 28, 2016

9 thực phẩm giúp bạn luôn tươi trẻ

Tất cả chúng ta không ai có thể thoát khỏi quy luật lão hóa, nhưng việc chúng ta có thể làm là kìm hãm quá trình lão hóa diễn ra chậm hơn
Những thực phẩm giúp bạn luôn tươi trẻ
Cá nhiều chất béo. Nhờ chứa hàm lượng cao omega 3 tự nhiên chống lại bệnh tim, viêm và viêm loét đại tràng, kể cả những ảnh hưởng lên da do ánh nắng mặt trời. Cá hồi là một đại diện, màu cam của thân cá chứa astaxanthin, là một chất chống oxy hóa mạnh mẽ.
Dầu olive nguyên chất. Đây là chất béo tốt nhất cho sức khỏe, giúp ngăn ngừa lão hóa, giảm huyết áp, nguy cơ bệnh tim, và góp phần chống lại các bệnh ung thư. Nó cũng giúp da trông trẻ hơn, chống viêm da và bảo vệ khỏi ánh nắng mặt trời. Khoảng 73% dầu olive chứa chất béo không bão hòa dạng đơn thể giúp tăng độ đàn hồi, săn chắc da.
Trà xanh. Trà xanh chứa chất chống oxy hóa cao gọi là polyphenol, chống lại bệnh tiểu đường, kháng insulin, viêm và bệnh tim. Polyphenol cũng có thể giúp bảo vệ collagen là thành phần protein chính trong da, từ đó giúp giảm các dấu hiệu lão hóa.
Trái bơ. Trái bơ giàu chất béo có lợi cho tim, cung cấp chất xơ, nhiều loại vitamin và khoáng chất cần thiết cho sức khỏe. Hơn nữa, quả bơ có chứa các hợp chất độc đáo polyhydroxylated fatty alcohols chống viêm, bảo vệ da khỏi ánh nắng mặt trời và giúp sửa chữa DNA.
Sô cô la đen. Thực phẩm này còn có tác dụng giảm oxy hóa còn tốt hơn cả việt quất, nam việt quất, và quả mọng. Thực phẩm này giúp giảm huyết áp, cải thiện chức năng động mạch và độ đàn hồi. Một nghiên cứu cho thấy, những người ăn sô cô la đen với hàm lượng cao ca cao tương đương với thành phần flavanol cao sẽ giúp tăng khả năng chịu được ánh nắng mặt trời lâu hơn bình thường.
Hạt lanh. Hạt lanh giúp giảm cholesterol, giảm lượng đường trong máu đồng thời giảm nguy cơ ung thư vú và tuyến tiền liệt. Hạt lanh còn cung cấp omega-3 được gọi là ALA, bảo vệ làn da của bạn khỏi bức xạ của ánh nắng mặt trời. Một nghiên cứu cho thấy những phụ nữ tiêu thụ hạt lanh hoặc dầu hạt lanh trong 12 tuần cho thấy cải thiện độ ẩm và làn da mượt hơn.
Lựu. Lựu chứa thành phần chống oxy hóa cao hơn trà xanh. Lựu còn giúp giảm viêm, cải thiện đường huyết cao, và giảm ảnh hưởng của bệnh ung thư đại tràng. Ngoài việc giúp bảo vệ da khỏi tác hại của ánh nắng mặt trời, lựu còn giúp tăng sản sinh collagen cải thiện da.
Cà chua. Cà chua cung cấp hàm lượng lycopene cao là một loại caroten giảm nguy cơ mắc bệnh tim, đột quỵ và ung thư tuyến tiền liệt. Một nghiên cứu cho thấy những phụ nữ ăn một hỗn hợp các thực phẩm giàu chất lycopene và chất chống oxy hóa thực vật khác có thể giảm nếp nhăn sau 15 tuần. Nấu cà chua với chất béo lành mạnh như dầu olive làm tăng hấp thu lycopene vào cơ thể.

Wednesday, April 27, 2016

Nghệ giúp cải thiện trí nhớ ở người già

Nghệ không những là thực phẩm, là gia vị mà còn còn là vị thuốc rất tốt trong điều trị một số bệnh, trong đó có ung thư, nghệ còn cải thiện trí nhớ ở người già
Trong nghệ có chứa chất rất tốt cho sức khỏe đó là curcumin – hợp chất màu vàng tươi có tác dụng cải thiện trí nhớ ở người lớn tuổi. Curcumin giúp ngăn chặn những ký ức đau buồn ở loài chuột, làm dịu nỗi đau, giảm lượng cholesterol và giúp chữa lành vết thương.
Trong một nghiên cứu tại Úc còn phát hiện rằng curcumin giúp trí não người già minh mẫn. Nó giúp giảm viêm và giúp máu lưu thông tốt hơn. Điều này tác động tích cực đến chức năng của não bộ.
Các nhà khoa học theo dõi 60 tình nguyện viên từ 60 đến 85 tuổi để làm nghiên cứu. Ông chia họ thành 2 nhóm. Một nhóm được dùng các viên nang có chứa curcumin dạng rắn, nhóm kia dùng giả dược. Những người tham gia sẽ trải qua một vài bài kiểm tra tâm lý, như nhớ lại hình ảnh và từ ngữ, làm phép trừ đơn giản… và phải uống thuốc đều đặn mỗi ngày trong suốt 4 tuần.
Kết quả cho thấy những người dùng curcumin sử dụng bộ nhớ tốt hơn và cẩn trọng hơn. Họ cũng cảm thấy ít mệt mỏi, bình tĩnh và thoải mái hơn sau 4 tuần thử nghiệm.
Đây là nghiên cứu đầu tiên kiểm tra những tác động của curcumin lên nhận thức và tâm trạng của người già. Các nhà khoa học đã nhận được một khoản trợ cấp lớn để tiếp tục nghiên cứu về thuộc tính của hợp chất curcumin này.

Wednesday, April 20, 2016

Sầu riêng, bổ thận tráng dương

Các bộ phận cây sầu riêng được dùng làm thức ăn và thuốc chữa bệnh. Hạt sầu riêng được dùng như hạt mít, hạt điều. Ăn có tác dụng bổ tỳ, bổ thận. Sau đây là một số món ăn thuốc bổ thận tráng dương từ sầu riêng.
Cây sầu riêng tên khoa học là Duro Zibethinus Murr còn được mệnh danh là “hoàng hậu của loài quả”, “quả nhiệt tình”. Đó là đặc sản của vùng Đông Nam Á. Cây sầu riêng hấp dẫn không chỉ bởi mùi vị đặc trưng mà nó còn là một loại quả nhiều dinh dưỡng, được dùng làm nước giải khát, mứt kẹo, bánh, nấu chè, xôi, thơm, ngon, mát, bổ. Các bộ phận cây sầu riêng được dùng làm thức ăn và thuốc chữa bệnh. Hạt sầu riêng được dùng như hạt mít, hạt điều. Ăn có tác dụng bổ tỳ, bổ thận. Sau đây là một số món ăn thuốc bổ thận tráng dương từ sầu riêng:
Bổ thận tráng dương: bầu dục lợn 1 bộ, sầu riêng (sắp chín) 200g, gia vị vừa đủ. Bầu dục thái nhỏ ướp gia vị. Sầu riêng chọn quả sắp chín để thái miếng nhỏ xào với bầu dục. Ăn nóng. Ngày 1 lần. Món này rất tốt cho người bị chứng lãnh cảm, suy yếu tình dục.
Sầu riêng là loại quả ngon, giàu dinh dưỡng, còn có tác dụng bổ thận, bổ tỳ, rất tốt cho nam giới bị di tinh liệt dương
Chữa di tinh, liệt dương: sầu riêng 50g, đường 20g (hoặc mật ong lượng thích hợp) đánh nhừ như kem, thêm khoảng 100ml nước chín nguội hòa đều để uống. Ngày 2 lần, trong 10 ngày.
Bổ thận, cứng gân cốt, kích thích tiêu hoá: vỏ quả sầu riêng 15g, đậu đen sao 10g, tang ký sinh 12g, hà thủ ô chế 15g, đỗ trọng 15g, cốt toái bổ 15g, vỏ quýt 8g. Sắc uống.
Ngoài ra, sầu riêng còn được dùng làm thuốc trong các trường hợp:
Tiêu chảy: vỏ quả sầu riêng 20g, vỏ quả măng cụt 20g, sắc với 3 bát nước lấy 1 bát chia 2 lần uống. Bệnh nhẹ chỉ dùng 1 trong 2 vị.
Sốt rét, đau gan vàng da: rễ hoặc lá cây sầu riêng 12g, cam thảo dây 12g, chi tử (quả dành dành) 12g sắc với 3 bát nước lấy 1 bát. Uống làm 2 lần. Dùng 5 ngày.
Cảm sốt, viêm gan vàng da: lá và rễ cây sầu riêng 30-40g, lá và rễ cây đa 20-30g, sắc uống. Có thể chỉ dùng lá rễ sầu riêng sắc uống trong ngày. Lá dùng nấu nước cho bệnh nhân viêm gan vàng da, tắm rửa.
Các bệnh về gan: rễ lá sầu riêng 10-16g sắc với 600ml nước còn 200ml chia 2 lần uống trong ngày.
BS. Phó Thuần Hương

Monday, April 18, 2016

Bạch chỉ trị cảm lạnh

Theo y học cổ truyền, bạch chỉ có mùi thơm hắc, vị cay hơi đắng. Đây là vị thuốc thường được dùng chữa cảm mạo, nhức đầu, ra mồ hôi, ngạt mũi, chảy nước mũi do viêm xoang, đau răng, phong thấp, bạch đới, cầm máu, đau bụng kinh...
Bạch chỉ còn có tên gọi khác là bách chiểu, chỉ hương, cửu lý trúc căn, đỗ nhược, hòe hoàn, lan hòe, linh chỉ, ly hiêu, phương hương... Cây cao 0,5-1m hay hơn, sống lâu năm. Thân hình trụ rỗng, không phân nhánh. Lá to có cuống, phần dưới phát triển thành bẹ ôm lấy thân, phiến lá xẻ 2-3 lần lông chim, mép khía răng, có lông ở gân lá mặt trên. Cụm hoa tán kép mọc ở ngọn. Hoa nhỏ màu trắng. Quả bế, dẹt.
Cây mọc hoang và được trồng làm thuốc ở những vùng có khí hậu lạnh ở miền núi cao. Bộ phận dùng làm thuốc là rễ củ, thu hái về rửa sạch, cắt bỏ rễ con phơi hay sấy nhẹ cho khô, bảo quản để làm thuốc.

Bạch chỉ.
Một số đơn thuốc thường dùng:
Chữa cảm lạnh: Bạch chỉ 3g, đậu khấu 3g, cam thảo 3g, sinh khương 5g, thông bạch 3g, đại táo 6g. Sắc uống cho ra mồ hôi thì thôi.
Chữa viêm mũi sinh đau đầu: Bạch chỉ 9g, thương nhĩ tử 9g, tân di 9g, bạc hà 4,5g. Tán mịn, mỗi lần uống 3g, ngày 2-3 lần
Chữa mụn nhọt đau nhức, mưng mủ: Bạch chỉ 3g, thanh bì 3g, đương quy 4g, tạo giác thích 2g, xương truật 3g, ý dĩ 6g. Sắc uống ngày 1 thang.
Chữa đau bụng khi hành kinh: Bạch chỉ 8g; ngưu tất, đan sâm, mỗi vị 12g; quế chi, can khương, bán hạ chế, uất kim, mỗi vị 8g. Sắc uống trong ngày.
Chữa bế kinh do ứ trệ máu: Bạch chỉ 8g; đan sâm, ngưu tất, mỗi vị 12g; xuyên khung 10g; quế chi, tía tô, uất kim, nga truật, mỗi vị 8g. Sắc uống ngày một thang.
Chữa bạch đới (với các biểu hiện lượng đới nhiều, tinh thần uể oải, mặt phù vàng, tay chân lạnh, đại tiện lỏng): Bạch chỉ 10g, long cốt 10g, phục linh 10g, xích thạch chi 10g, can khương 5g, sơn dược 10g, bạch truật 10g, mẫu lệ 10g, lộc giác 10g, bạch thược 10g. Sắc uống ngày 1 thang. Liệu trình điều trị 10 thang.
Trị hôi miệng: Dùng bạch chỉ và xuyên khung, hai thứ liều lượng bằng nhau, nghiền thành bột mịn, trộn với mật ong làm thành viên bằng hạt ngô, mỗi ngày ngậm 2-3 viên.
Chú ý: Người có âm hư hỏa uất, nhiệt thịnh không nên dùng.
BS. Nguyễn Thị Nga

Friday, April 15, 2016

Mẹo trị sưng hạch

Một số nguyên nhân gây sưng hạch gồm cảm lạnh, cúm, nhiễm trùng tai, loét họng, đau răng…Một số mẹo đơn giản giúp bạn giảm đau và sưng hạch bạch huyết.
Hạch bạch huyết có chức năng lọc các chất dịch bạch huyết qua hệ thống bạch huyết. Nó ngăn không cho vi khuẩn xâm nhập vào các bộ phận khác của cơ thể. Những hạch này thực sự đóng vai trò là kho chứa các tế bào bạch cầu. Mặc dù tất cả hạch bạch huyết nằm rải rác trong khắp cơ thể, chỉ một số hạch nằm ở vị trí dễ thấy. Sưng hạch bạch huyết là hoàn toàn bình thường. Hạch thường bị sưng khi hệ bạch huyết bảo vệ các tế bào cơ thể khỏi tác nhân gây hại.

meo-tri-sung-hach

Một số nguyên nhân gây sưng hạch gồm cảm lạnh, cúm, nhiễm trùng tai, loét họng, đau răng…Dưới đây là những mẹo đơn giản giúp bạn giảm đau và sưng hạch bạch huyết:
Tỏi
Tỏi có tính kháng khuẩn và kháng viêm nên có tác dụng làm dịu các hạch bạch huyết bị sưng.
Mát xa nhẹ nhàng
Mát xa nhẹ nhàng hạch bị sưng theo chuyển động vòng tròn hơi ấn nhẹ vào khu vực bị ảnh hưởng. Cách này kích thích hạch và giảm sưng.
Mật ong
Mát xa nhẹ nhàng với mật ong ở vùng hạch sưng. Cách này giúp giảm viêm do mật ong có tính kháng viêm. Cũng có thể sử dụng trực tiếp nước chanh để giảm đau hạch bạch huyết.
Sữa và nghệ
Sữa và nghệ là sự kết hợp tốt nhất để giảm viêm. Tính kháng viêm của nghệ có thể làm nên điều kỳ diệu. Pha bột nghệ với sữa và uống hỗn hợp này để giảm đau.
Đắp khăn ấm
Đắp khăn ấm ở vùng hạch sưng. Hơi ấm sẽ giúp giảm viêm và đau do sưng. Nó cũng cải thiện tuần hoàn máu tới khu vực này.
BS. Cẩm Tú / Univadis
(theo Boldsky)

Thursday, April 14, 2016

Cảnh giác với những loại chè rực rỡ sắc màu

Trước trình trạng hóa chất trong thực phẩm tràn ngập như hiện nay, hãy cảnh giác với những thực phẩm nhiều màu sắc, chẳng hạn như một số loại chè
Người bán đã dùng nhiều loại hóa chất tạo màu để những loại chè trở nên bắt mắt hơn, hấp dẫn hơn. Chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo, màu thực phẩm nhân tạo rất nguy hại cho sức khỏe người dùng.
Chè là một trong những món giải khát bán chạy nhất trong mùa nóng, dễ làm, dễ bán nên bạn có thể dễ dàng tìm thấy ở các vỉa hè. Tuy nhiên, để có được món chè nhiều màu sắc một số cơ sở kinh doanh đã không ngần ngại sử dụng phẩm màu để làm cho chè có màu sắc bắt mắt hơn.
Hiện có rất nhiều loại chè được bán trong mùa hè này, những loại chè nhiều màu sắc như xanh cốm, đỏ, hồng, vàng chanh… hầu hết đều có sử dụng màu. Tùy thuộc vào người chế biến mà màu sắc của các loại chè này được làm đậm hay nhạt. Đặc biệt là các loại chè cốm, chè bưởi,  hạt trân châu, thạch thì 100% là được thêm phẩm màu và hương liệu cho dậy mùi.
Nếu dùng Caroten tự nhiên được chiết xuất từ các loại quả có màu vàng, Curcumin được chiết xuất từ củ nghệ, màu Caramen được chế biến từ đường…thì rất an toàn nhưng nhóm phẩm màu nguồn gốc tự nhiên có nhược điểm là độ bền kém, sử dụng với lượng lớn nên giá thành sản phẩm cao.
Còn phẩm màu nhân tạo là các phẩm màu được tạo ra bằng phản ứng tổng hợp hoá học. Ví dụ Amaranth (đỏ), Brilliant blue (xanh), Sunset yellow (vàng cam), Tartazine (vàng chanh)… Các phẩm màu tổng hợp thường đạt độ bền màu cao, với một lượng nhỏ đã cho màu đạt với yêu cầu đặt ra, nhưng có thể gây ngộ độc nếu dùng loại không nguyên chất, không được phép sử dụng trong thực phẩm.
Những thức ăn có chứa phẩm màu trong danh mục được phép sử dụng làm phụ gia thực phẩm của Bộ Y tế, dưới mức giới hạn dư lượng cho phép thì không gây ảnh hưởng cho sức khoẻ. Tuy nhiên, nếu lạm dụng phẩm màu, hoặc chạy theo lợi nhuận, sử dụng các phẩm màu ngoài danh mục cho phép để chế biến thực phẩm, đặc biệt là các phẩm màu tổng hợp sẽ rất hại, có thể gây ngộ độc cấp tính, tích luỹ lâu dài có thể dẫn đến ung thư.

Tuesday, April 12, 2016

Điều gì xảy ra khi cơ thể không đổ mồ hôi

Mồ hôi thường gây khó chịu, tuy nhiên, nó lại có lợi cho cơ thể. Đổ mồ hôi là quá trình loại bỏ tất cả các tạp chất có trong cơ thể qua da và giúp bạn có làn da sáng. Theo một nghiên cứu, những người ra mồ hôi thường khỏe hơn và nhanh khỏe hơn những người không ra mồ hôi. Nếu cơ thể không ra mồ hôi, bạn có thể gặp những rắc rối dưới đây:
Cơ thể sẽ không được làm mát
Bạn có thể có nguy cơ bị say nắng nếu cơ thể không đổ mồ hôi. Những người không thể ra mồ hôi do tác dụng phụ của thuốc hoặc do một số rối loạn khác có nguy cơ bị tăng thân nhiệt. RA mồ hôi là cơ chế qua đó cơ thể được làm mát. Thông qua cơ chế này cơ thể ổn định nhiệt độ ở bên trong.
Dễ bị nhiễm bệnh cơ hội
Rất ít người biết rằng bằng cách đổ mồ hôi, cơ thể đang tăng cường hệ miễn dịch. Đổ mồ hôi giúp loại bỏ mầm bệnh có hại ra khỏi cơ thể, giúp phòng tránh nhiều bệnh.
Bạn có nguy cơ cao hơn bị nhiễm trùng da
Khi ra mồ hôi, lỗ chân lông giãn nở giúp giải phóng độc tố và các chất ô nhiễm có thể khiến da bị nhiễm trùng gây nên mụn nhọt, mụn trứng cá. Những người bị nhiễm trùng da do vi-rút hoặc nhiễm trùng da do vi khuẩn thường thiếu dermcidin trong mồ hôi, đây là nguyên nhân chính gây nên các nhiễm trùng này.
Nguy cơ bị sỏi thận
Đổ mồ hôi là cách hiệu quả để loại bỏ muối dư thừa ra khỏi cơ thể. Những người không đổ mồ hôi có lượng muối và canxi tích tụ cao hơn trong cơ thể, khiến cho sỏi thận hình thành. Khi bạn đổ mồ hôi, bạn uống nước giúp cân bằng lượng muối trong cơ thể.

Gây ra tâm trạng buồn rầu
Những hoạt động như tập gym hoặc yoga giải phóng hormon endorphin khiến bạn cảm thấy vui vẻ. Khi bạn đổ mồ hôi qua những hoạt động thể chất này, nó giải phóng hormon endorphin, giúp bạn có tâm trạng tốt hơn.
Cần nhiều thuốc giảm đau hơn
Những hoạt động đơn giản như đi dạo hoặc các lớp học khiêu vũ giải phóng các hormon qua đồ mồ hôi, đóng vai trò như thuốc giảm đau tự nhiên. Vì vậy, hãy duy trì các hoạt động thể chất khiến bạn đổ mồ hôi để giảm đau.
Dễ bị tác dụng xấu của các chất ô nhiễm gây hại

Chất dẻo đã trở thành một phần quan trọng trong cuộc sống của chúng ta nhưng DEHP và BPA được tìm thấy trong chất dẻo có thể gây hại cho sức khỏe. Đổ mồ hôi là cách cơ thể loại bỏ những hóa chất độc hại này. Nếu bạn không thể đổ mồ hôi, những hóa chất có hại này sẽ ở lại trong cơ thể và gây hại.
Khó lành vết thương
Tuyến mồ hôi chứa các tế bào gốc giúp chữa lành vết thương. Vì vậy, đổ mồ hôi giúp rút ngắn thời gian lành vết thương.
BS Cẩm Tú
(Theo Boldsky/ Univadis)

Monday, April 11, 2016

Chim cút bổ ngũ tạng

Chim cút là loài chim nhỏ, thịt rất thơm ngon nên còn gọi là gà đồng. Thịt chim chứa nhiều protit, lipit và muối khoáng
Chim cút là loài chim nhỏ, thịt rất thơm ngon nên còn gọi là gà đồng. Thịt chim chứa nhiều protit, lipit và muối khoáng; trứng chim có nhiều chất lecithin hơn các trứng khác nên được dùng làm thuốc trong y học cổ truyền.
Thịt chim cút vị ngọt, tính bình, vào các kinh tỳ, vị, đại tràng. Tác dụng bổ hư ích khí, thanh lợi thấp nhiệt. Dùng cho các chứng lao, suy nhược, tiêu, chảy, kiết lỵ, suy dinh dưỡng và phong thấp. Trứng chim cút bổ ngũ tạng, bổ trung ích khí. Dùng cho các trường hợp sau khi bị bệnh lâu ngày làm khí huyết hư nhược, tiêu hóa kém, sản phụ sau đẻ bị suy nhược. Sau đây là một số món ăn - bài thuốc từ chim cút.
Chim cút xào măng: chim cút 100g (đã được làm sạch, bỏ ruột), măng tre 30g, mộc nhĩ 12g (ngâm mềm, rửa sạch), dưa chuột 12g. Đặt xoong trên bếp nóng, cho dầu, thả thịt chim cút vào rán chín, cho thêm nước hàng, bột đậu, măng, nấm, dưa chuột (đã thái lát), xào chín toàn bộ, cho ít bột ngọt, nếm vừa là được. Dùng cho người khí huyết hư nhược, tiêu hóa kém.
Chim cút hầm đậu đỏ: chim cút 4 - 5 con (làm sạch bỏ ruột), đậu đỏ (tiểu đậu) 100g, gừng tươi 15g (gọt vỏ đập giập) tất cả hầm nhừ, thêm gia vị. Dùng cho người bị tiêu chảy, kiết lỵ.
Chim cút chiên dầu mè: chim cút làm sạch (4 - 5 con), tẩm bột trứng gà và lá mơ băm nhỏ, dùng dầu mè để chiên. Dùng cho các trường hợp suy nhược, hư lao thở gấp, mỏi mệt, tiêu chảy, kiết lỵ lâu ngày, ăn kém, người cao tuổi suy kiệt.
Chim cút hầm kỷ tử, đỗ trọng: chim cút 3 - 5 con (làm sạch), kỷ tử 30g, đỗ trọng 15g, hầm nhừ, vớt bỏ bã thuốc thêm gia vị. Dùng cho các trường hợp phong thấp, thoái hóa khớp, đau lưng mỏi gối, mệt mỏi, thở gấp.
Chim cút tiềm đông trùng hạ thảo: chim cút 3 - 5 con. Mỗi con chim cút đã làm sạch cho 1 con trùng thảo vào bụng, khâu lại, thêm gia vị hầm nhỏ lửa cho chín nhừ. Dùng cho các trường hợp ho lao, hen suyễn, khái huyết, mệt mỏi thở gấp; đau lưng mỏi gối, mệt mỏi ăn kém.
Trứng chim cút hầm sâm quy, đại táo: trứng chim cút 3 quả, đảng sâm 15g, đương quy 12g, đại táo 10 quả. Hầm nhừ. Dùng cho các trường hợp dưỡng bệnh sau thời kỳ nằm viện, sản phụ sau khi sinh con, suy nhược thần kinh.
Cháo chim cút cật lợn: chim cút 3 - 5 con, gạo tẻ 150g, đậu đỏ 60g, bầu dục (cật lợn) 200g thái lát. Tất cả nấu cháo, thêm gia vị. Dùng cho các trường hợp ho lao, mệt mỏi thở gấp, rối loạn tiêu hóa, ăn kém, viêm thận phù nề, đau lưng mỏi gối, suy kiệt và thiểu dưỡng.
Cháo trứng cút: cháo trắng (gạo tẻ hoặc gạo nếp) 1 tô, trứng chim cút 5 quả. Dùng cho trẻ em suy dinh dưỡng, người thể trạng suy nhược (nên ăn vào buổi sáng hoặc buổi tối).
Kiêng kỵ: Người đang bị cảm sốt, nhiều đờm không nên dùng chim cút.
TS. Nguyễn Đức Quang

Tuesday, April 5, 2016

Cá chép trị phù nề, hen suyễn

Thịt cá chép chứa nhiều protid, lipid, khoáng chất và vitamin, vây cá chứa nhiều collagen. Trong những ngày trời lạnh giá được thưởng thức món cá chép om dưa, cá chép sốt cà chua,…
Thịt cá chép chứa nhiều protid, lipid, khoáng chất và vitamin, vây cá chứa nhiều collagen. Trong những ngày trời lạnh giá được thưởng thức món cá chép om dưa, cá chép sốt cà chua,… thì thật tuyệt. Không những là món ăn ngon, cá chép còn có tác dụng chữa bệnh tốt. Thịt cá, vây cá, mật cá và đầu cá đều là những vị thuốc trong y học cổ truyền.
Theo Đông y, thịt cá chép có vị ngọt, tính bình; vào tỳ thận. Có tác dụng lợi thủy tiêu thũng, hạ khí thông nhũ. Dùng cho các trường hợp phù thũng bụng phù trướng, hai chân phù nề, vàng da, ứ tắc sữa... Vảy cá có tính bình, tác dụng cầm máu. Mật cá có vị đắng tính lạnh, không độc, có tác dụng thông ứ, minh mục. Hằng ngày dùng 1 con (500 - 1.000g) dưới dạng nấu hầm, chiên, nướng. Sau đây là một số món ăn bài thuốc từ cá chép.
Chữa phù nề
Cá chép nấu cơm rượu (rượu cái): cá chép 1 con, rượu cái 1.500g đổ trên cá đặt sẵn trong nồi đun nhỏ lửa cho sôi, chín cá và cạn hết nước rượu. Không cho thêm dấm, muối đậu, ăn nóng. Dùng cho các trường hợp phù nề toàn thân.
Canh cá chép: cá chép (lấy phần nạc) 120g, hành một nắm, vừng rang giòn tán mịn, cá chép, hành đem nấu canh cho tiếp vừng bột tiêu gia vị, cho ăn khi đói. Dùng cho người cao tuổi bị phù do suy dinh dưỡng.
Cháo cá chép nấu bí đao thích hợp cho người bị phù suy dinh dưỡng, phù do bệnh thận, tim.
Canh bí đao hành hoa cá chép: cá chép 500g rửa sạch, để nguyên vẩy, bỏ ruột, bí đao 500g gọt vỏ bỏ ruột, thái lát. Hành củ cả lá 6 củ, thêm dầu, muối, nước nấu nhỏ lửa cho chín (nếu viêm thận phù nề giảm muối), thêm gia vị, cho ăn ngày 2 - 3 lần như ăn phụ. Dùng cho bệnh nhân phù suy dinh dưỡng, phù do bệnh thận, tim.
Cá chép hầm đậu đỏ: cá chép 1 con khoảng 1.000g làm sạch, xích tiểu đậu 50g, trần bì 6g, ớt đỏ 6g, thảo quả 6g; tất cả được cho trong bụng cá, đặt trong nồi áp suất cho thêm gừng, hành, muối, tiêu và đổ nước nấu hầm trong khoảng 1 giờ, cho thêm hành thái lát, rau tươi tùy ý, đun sôi, thêm nước dùng, gia vị, cho ăn khi còn nóng. Dùng cho các trường hợp phù nề vàng da, tiểu dắt, buốt, bệnh tiểu đường.
Canh cá chép xuyên tiêu: cá chép 1.000g, xuyên tiêu 15g, rau mùi, lá lốt, gừng, hành, dấm bỗng và gia vị thích hợp. Nấu ăn như nấu canh cá bình thường. Dùng cho các trường hợp phù nề, đặc biệt là các thể phù do thiểu dưỡng, do viêm cầu thận mạn, hội chứng thận hư.
Chữa hen suyễn, ho gà, ù tai
Canh cá chép bối mẫu: cá chép 250g, xuyên bối mẫu tán mịn 6g, đem nấu canh, cho ăn liên tục 1 - 3 tuần. Dùng cho bệnh nhân ho gà, hen suyễn.
Cháo não cá chép: 30 - 60g não cá chép (mổ đầu cá lấy não), gạo tẻ 60g cùng đem nấu cháo, thêm gia vị cho ăn khi đói. Dùng cho người cao tuổi ù tai điếc tai.
Kiêng kỵ: Không dùng cho người có biểu hiện hôn mê gan, tăng urê huyết.
TS. Nguyễn Đức Quang

Monday, April 4, 2016

Thực phẩm ảnh hướng xấu tới chuyện chăn gối

Những thực phẩm như rượu, đường, khoai tây chiên có thể làm giảm hàm lượng testosterone và ảnh hưởng tới chuyện chăn gối
Những thực phẩm ảnh hưởng xấu
Bạc hà. Nhai kẹo cao su có thể là thủ phạm khiến bạn “hạ nhiệt yêu”. Tinh dầu bạc hà có trong nước súc miệng cũng có thể làm giảm lượng testosterone.
Đường. Các nghiên cứu cho thấy lượng insulin cao, hormon chủ yếu được bài tiết sau khi ăn, có liên quan với lượng testosterone thấp
Rượu. Các nhà khoa học cho rằng, ngoài việc làm giảm testosterone, rượu cũng có thể khiến dạ dày bị đầy hơi và luôn có cảm giác no.
Thực phẩm đóng hộp. Nếu bạn định ăn thực phẩm đóng hộp thường xuyên thì hãy suy nghĩ lại, vì BPA có trong thực phẩm đóng hộp rất không tốt cho lượng testosterol và bạn nên tránh.
Thịt đỏ. Nhiều người tin, thịt đỏ cung cấp năng lượng ngay lập tức và do vậy nên ăn trước khi “vào cuộc”. Nhưng sự thật là vì thịt đỏ rất khó tiêu, nó sẽ mang lại cảm giác no lâu và đầy bụng, tình trạng này không lý tưởng cho “cuộc yêu” của bạn.
Pho mai. Bạn cần tránh bất cứ thực phẩm nào chứa pho mai trước khi “yêu” vì pho mai khó tiêu. Vì vậy để tránh “xì hơi” trong khi “hành động”, hãy tránh loại thực phẩm hấp dẫn này.
Khoai tây chiên. Khoai tây chiên chứa nhiều đường không tốt cho việc tăng testosterone, do vậy nên tránh trước khi bước vào “cuộc yêu”Khoai tây chiên
Đậu đỗ. Với hàm lượng chất xơ cao, đậu sản sinh ra loại đường khó tiêu hóa, do đó làm giảm ham muốn. Vì đậu đỗ tạo ra khí metan nên nó mang lại cảm giác no và do vậy không nên ăn trước khi bước vào “cuộc yêu”.

Friday, April 1, 2016

Bài thuốc giải cảm mùa đông - xuân

Bệnh cảm cúm phát sinh quanh năm nhưng thường xuất hiện vào mùa đông - xuân nhiều hơn, vì khí hậu mùa đông - xuân hay có sự thay đổi đột ngột, con người không thích ứng kịp thời nên hay sinh bệnh.
Bệnh cảm cúm phát sinh quanh năm nhưng thường xuất hiện vào mùa đông - xuân nhiều hơn, vì khí hậu mùa đông - xuân hay có sự thay đổi đột ngột, con người không thích ứng kịp thời nên hay sinh bệnh, có thể gặp các trường hợp sau: Nếu thấy sợ gió, sợ lạnh, sốt nhức đầu, ngạt mũi, tiếng nói nặng khàn, đôi khi có ho và cảm thấy ngứa cổ, không khát, có hoặc không có mồ hôi, là bị ngoại cảm phong hàn, nên dùng các bài thuốc sau:
Cháo giải cảm: Hành 15 - 30g (nếu có hành tăm càng tốt, dùng cả rễ). Gừng tươi 10 - 15g, gạo nếp khoảng 50g (có thể dùng gạo tẻ).
Cách làm: Gạo đem nấu cháo chín, múc ra cho vào bát đã có sẵn hành, gừng thái nhỏ, quấy đều rồi ăn lúc cháo còn nóng. Ăn xong nằm nghỉ, đắp chăn cho ra mồ hôi, khi mồ hôi ra đều sẽ thấy nhẹ người, lúc đó bỏ chăn ra, lau mồ hôi cho ráo và cần tránh gió.
Bài thuốc giải cảm 1
Cháo hành tốt cho người bị ngoại cảm phong hàn. Ảnh: MH
Chú ý: Có thể cho 1 lòng đỏ trứng gà vào cháo sẽ có tác dụng tăng thêm sự bồi bổ chính khí. Người bị ngoại cảm phong hàn nếu có mồ hôi thì không nên dùng bài thuốc này.
Bài thuốc giải cảm: Lá hương nhu (hương nhu tía tốt hơn), lá chanh, lá bưởi, lá tre, cây sả, lá cúc tần, lá lốt, tía tô, kinh giới, lá gừng, rau ngổ, cỏ mần trầu, bạc hà, cúc hoa... Mỗi thứ 1 nắm, lượng bằng nhau (tùy điều kiện có thể gia giảm thêm bớt 1 vài vị thuốc). Tất cả rửa sạch cho vào nồi, đổ nước ngập các vị thuốc, đun sôi, hé miệng nồi để hở nhỏ cho hơi thoát lên vừa đủ phả vào mặt bệnh nhân, khi xông trùm chăn kín. Hơi nóng của thuốc bốc lên, làm ra mồ hôi, xông đến khi hết hơi nóng thì thôi, nước ấy đem rửa mặt, chân tay, sau đó lau sạch mồ hôi, thay quần áo và để người bệnh ở nơi kín gió.
Cũng với triệu chứng trên nếu có kèm thêm hiện tượng không sợ lạnh, mũi khô, bụng đầy, đại tiện táo, mạch trường thì đó là triệu chứng của cúm, bệnh đã vào sâu bên trong (lý chứng), có thể dùng bài thuốc sau: Rau má 12g (hoặc tinh tre), cam thảo đất 12g (hoặc kim ngân); dây mơ 12g, rễ cỏ tranh 8g (hoặc cây mã đề), cỏ nhọ nồi 8g (hoặc sinh địa), muồng trâu 12g (hoặc vỏ cây đại), cỏ mần trầu 8g (hoặc lá dâu), trần bì 8g. Tất cả rửa sạch, cho vào ấm, đổ ngập nước sắc còn ½ chia 3 lần uống trong ngày vào lúc đói.
BS. Nguyễn Hữu Hiệp