Thursday, April 14, 2016

Cảnh giác với những loại chè rực rỡ sắc màu

Trước trình trạng hóa chất trong thực phẩm tràn ngập như hiện nay, hãy cảnh giác với những thực phẩm nhiều màu sắc, chẳng hạn như một số loại chè
Người bán đã dùng nhiều loại hóa chất tạo màu để những loại chè trở nên bắt mắt hơn, hấp dẫn hơn. Chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo, màu thực phẩm nhân tạo rất nguy hại cho sức khỏe người dùng.
Chè là một trong những món giải khát bán chạy nhất trong mùa nóng, dễ làm, dễ bán nên bạn có thể dễ dàng tìm thấy ở các vỉa hè. Tuy nhiên, để có được món chè nhiều màu sắc một số cơ sở kinh doanh đã không ngần ngại sử dụng phẩm màu để làm cho chè có màu sắc bắt mắt hơn.
Hiện có rất nhiều loại chè được bán trong mùa hè này, những loại chè nhiều màu sắc như xanh cốm, đỏ, hồng, vàng chanh… hầu hết đều có sử dụng màu. Tùy thuộc vào người chế biến mà màu sắc của các loại chè này được làm đậm hay nhạt. Đặc biệt là các loại chè cốm, chè bưởi,  hạt trân châu, thạch thì 100% là được thêm phẩm màu và hương liệu cho dậy mùi.
Nếu dùng Caroten tự nhiên được chiết xuất từ các loại quả có màu vàng, Curcumin được chiết xuất từ củ nghệ, màu Caramen được chế biến từ đường…thì rất an toàn nhưng nhóm phẩm màu nguồn gốc tự nhiên có nhược điểm là độ bền kém, sử dụng với lượng lớn nên giá thành sản phẩm cao.
Còn phẩm màu nhân tạo là các phẩm màu được tạo ra bằng phản ứng tổng hợp hoá học. Ví dụ Amaranth (đỏ), Brilliant blue (xanh), Sunset yellow (vàng cam), Tartazine (vàng chanh)… Các phẩm màu tổng hợp thường đạt độ bền màu cao, với một lượng nhỏ đã cho màu đạt với yêu cầu đặt ra, nhưng có thể gây ngộ độc nếu dùng loại không nguyên chất, không được phép sử dụng trong thực phẩm.
Những thức ăn có chứa phẩm màu trong danh mục được phép sử dụng làm phụ gia thực phẩm của Bộ Y tế, dưới mức giới hạn dư lượng cho phép thì không gây ảnh hưởng cho sức khoẻ. Tuy nhiên, nếu lạm dụng phẩm màu, hoặc chạy theo lợi nhuận, sử dụng các phẩm màu ngoài danh mục cho phép để chế biến thực phẩm, đặc biệt là các phẩm màu tổng hợp sẽ rất hại, có thể gây ngộ độc cấp tính, tích luỹ lâu dài có thể dẫn đến ung thư.